Những cánh chim đầu đàn của sinh viên khoa Tài nguyên và Môi trường


Lường Thị Trang, Trần Ngọc Sơn, Hoàng Văn Tuấn là những cái tên tiêu biểu khi nói về sinh viên của Khoa Tài Nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Đây là những bạn trẻ có thành tích học tập tốt và có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào tập thể.

“Nhà em ở xa lắm, tận huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu… mỗi năm đi học chỉ về nhà được 2 lần”. Đó là lời tâm sự của Lường Thị Trang – cô SV nhỏ nhắn, xinh xắn và tài năng của chi đoàn KHMT K11A. Vượt qua khó khăn, thành tích học tập của Trang khiến bất kỳ ai cũng phải thán phục: Bốn năm học đại học, Trang không học cải thiện một môn học nào, điểm tổng kết các kì luôn đạt mức xuất sắc, tổng kết học kì I, năm học 2016 - 2017, Trang đạt điểm tích lũy tuyệt đối là 4.0. Không chỉ học giỏi, với vai trò là lớp phó học tập, em tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của khoa, của trường. Trang đã đạt được rất nhiều danh hiệu như: Sinh viên năm tốt, giấy khen của Đại học Thái Nguyên… Trong đợt xét vừa qua, Trang là một trong 2 sinh viên của chi đoàn vinh dự được tham gia kết nạp Đảng .

Lường Thị Trang say mê với những thí nghiệm khoa học

Trả lời câu hỏi tại sao lại lựa chọn học tập tại Trường Đại học Khoa Học trong khi với kết quả học tập tốt ở phổ thông em có thể có rất nhiều sự lựa chọn khác, em nói: Từ nhỏ em đã ưa thích khám phá những vấn đề tự nhiên, môi trường, khi lựa chọn nguyện vọng vào Đại học, lúc đầu em cũng chỉ đơn giản lựa chọn học ngành Môi trường tại Thái Nguyên để vừa đúng sở thích lại tiết kiệm chi phí học tập do gia đình rất khó khăn. Và trải qua những tháng ngày được rèn luyện tại đây, em càng thấy lựa chọn của mình là đúng đắn.

Hoàng Văn Tuấn sinh ra và lớn lên tại xóm Phú Thọ, Xã Phú Đô, là xã trong diện 135, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương - tỉnh Thái Nguyên. Tuấn hiện là lớp phó đời sống của chi đoàn Cử nhân Địa Lý K11. Với mong ước mình sẽ làm việc gì đó giúp quê nghèo ngày càng phát triển, từ bé Tuấn luôn cố gắng học tập tốt, trau dồi kiến thức cho bản thân. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học là ngày vui của em và gia đình. Niềm vui đỗ đại học của Tuấn cũng đi liền với nỗi âu lo về chi phí học tập tốn kém ở nơi thành phố. Tuy nhiên với lòng tự tin và khao khát thành công, Tuấn đã từng bước vượt qua những thử thách trên con đường chinh phục đỉnh cao tri thức. Em giành học bổng loại khá học kỳ I năm học 2015 – 2016; đạt loại giỏi trong học kỳ I năm học 2016 - 2017 và điểm rèn luyện học kỳ I năm học này là 94 điểm. Không chỉ cố gắng trong học tập, Tuấn còn nhiệt tình với phong trào của Đoàn, Khoa và Trường như tham gia các chương trình tình nguyện, ngày hội hiến máu, hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học …

Tuấn ( ngoài cùng bên trái) trong màu áo xanh tình nguyện

Tuấn chia sẻ: “Ngành học Địa Lý cho em rất nhiều kỷ niệm đẹp với thầy cô và bạn bè, ấn tượng sâu sắc nhất là hai đợt đi thực tập tại Ba Bể - Bắc Kạn và Lào Cai. Qua những đợt thực tập ấy cho em rất nhiều kiến thức thực tế để em hoàn thiện bản thân. Địa Lý không chỉ gắn với những địa danh nổi tiếng, những danh lam thắng cảnh mà còn cho con người biết được cội nguồn của trái đất, giúp ta hiểu biết về những nơi chưa đặt chân tới”.

Trần Ngọc Sơn, sinh năm 1997, lớp trưởng lớp Quản lý Tài nguyên Môi trường K13 cũng được bạn bè yêu quý, nể phục bởi kết quả học tập tốt và nhiệt tình với phong trào chung. Sự lựa chọn của em về ngành học chính là thực hiện ước mơ của mình: “Quê em, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường. Em muốn học ngành này để góp phần tham gia gìn giữ môi trường nơi quê nhà, hơn nữa cơ hội xin việc làm của ngành này vẫn còn rất rộng mở ở địa phương”.

Cậu sinh viên quê ở Ngọc Lũ, Bình Lục, Hà Nam để theo học tại Trường Đại học Khoa Học đã phải vượt chặng đường dài. Tuy nhiên theo Sơn, khi học tập tại trường em đã có được rất nhiều điều tâm đắc: em đã được tiếp xúc với những phương pháp học tập mới như làm báo cáo, viết tiểu luận, làm việc nhóm, trau dồi kỹ năng, tiếng anh tin học... Những phương pháp đó giúp Sơn có thể tiếp thu kiến thức dễ hơn, hiểu sâu hơn về vấn đề cần tìm hiểu, biết cách tìm các tài liệu và cách chắt lọc thu thập những thông tin cần thiết cũng như thiết kế 1 bài powerpoint... Em cũng nhận được sự chỉ bảo tận tình của thầy cô về những vấn đề, bài tập mà mình chưa hiểu. Ngoài ra học tập bằng giáo án điện tử giúp em tiếp thu bài nhanh hơn, hiểu sâu vấn đề nhờ các video kết hợp với giáo án…

Ngay từ khi trở thành tân sinh viên, ngoài việc nỗ lực học tập, Sơn còn rất nhiệt tình với các hoạt động của tập thể như tham gia ngày “Môi trường thế giới”, “ngày hội việc làm”, tình nguyện hiến máu, giao lưu văn nghệ … Qua những hoạt động này, Sơn từng bước trau dồi kiến thức, kỹ năng thuyết trình, ngày càng tự tin và trưởng thành hơn.

Dù đến từ các vùng quê khác nhau, hoàn cảnh gia đình không giống nhau nhưng với quyết tâm cao và niềm đam mê với ngành học mình lựa chọn, các bạn trẻ Trang, Tuấn, Sơn đã khắc phục nhiều khó khăn để cùng đạt những thành tích xuất sắc trong học tập và phong trào xã hội. Họ xứng đáng là tấm gương sáng cho bạn bè học tập, noi theo.


Bài viết gần đây