Ngày 21 tháng 10 năm 2024, Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên với đơn vị phụ trách chuyên môn chính là Khoa Tài nguyên và Môi trường đã tham gia triển lãm "Rừng và Biến đổi Khí hậu". Triển lãm do Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam, Trường Đại học Valladolid (Tây Ban Nha) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, dưới sự hỗ trợ của một số trường đại học tại Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu" được tổ chức nhằm mục đích chia sẻ các kết quả nghiên cứu và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, cũng như vai trò của rừng trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu trong buổi lễ khai mạc, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam - bà Carmen Cano de Lasala nhấn mạnh: "Tây Ban Nha và Việt Nam đều đang phải đối diện những vấn đề giống nhau về biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Vốn có vị trí địa lý gần biển, hai nước sẽ bị ảnh hưởng nếu mực nước biển dâng cao. Madrid có mục tiêu tham vọng giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng giống Việt Nam".
Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano de Lasala, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên GS.TS. Vũ Hoàng Linh và GS.TS. Felipe Bravo (Đại học Valladolid, Tây Ban Nha) cắt băng khánh thành triển lãm
GS.TS. Felipe Bravo (Đại học Valladolid, Tây Ban Nha – đơn vị đồng tổ chức triển lãm) cho rằng biến đổi khí hậu và khủng hoảng đa dạng sinh học là vấn đề môi trường cấp bách nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Rừng và các giải pháp công nghệ dựa vào thiên nhiên có thể giúp con người giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy lối sống bền vững.
Tại triển lãm, các thông tin, các mẫu vật, tài liệu tập trung chia thành các chủ đề chính: Tổng quan chung mối quan hệ giữa con người và môi trường; Các sản phẩm khai thác từ rừng phục vụ đời sống con người; Lâm sản ngoài gỗ và sinh kế của cộng đồng địa phương; Nhóm các công cụ khoa học công nghệ quản lý, giám sát rừng theo hướng công nghệ cao.
Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên tham gia triển lãm với các sản phẩm trưng bày thuộc chủ đề “Lâm sản ngoài gỗ và sinh kế của cộng đồng địa phương”. Khoa Tài nguyên và Môi trường - đơn vị phụ trách các hoạt động triển lãm của Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với khoa Công nghệ sinh học của Trường giới thiệu nhiều sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm liên quan đến sinh kế gắn với bảo tồn rừng với thông điệp “Rừng không chỉ che chở, bảo vệ con người mà còn là nguồn sống quý giá, là linh hồn, là ký ức bao đời, là sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương”. Những sản vật mà cộng đồng thu hái không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn mang theo tình yêu thiên nhiên, những câu chuyện kể về cuộc sống, về sự kết nối giữa con người và đất trời. Song, mây, tre, trúc, nấm, thảo dược… không chỉ là những sản vật tự nhiên, mà còn là sinh kế chứa đựng biết bao công sức, tình yêu và niềm hy vọng của người dân. Cuộc sống vùng cao với rừng như một mối tình thủy chung, bền chặt. Mỗi người dân đều hiểu rằng, yêu thương và chăm sóc rừng như chính ngôi nhà của mình, rừng sẽ trao lại sự sống mãi mãi.
Các sản phẩm trưng bày tại triễm lãm của Khoa Tài nguyên và Môi trường với chủ đề “Lâm sản ngoài gỗ và sinh kế của cộng đồng địa phương”
Gian trưng bày của Trường thu hút sự chú ý của Đại sứ quán, khách mời, các đơn vị tham gia triển lãm cũng như sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Sự tham gia của Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên tại triển lãm thể hiện cam kết của nhà trường trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu trong bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững. Trong thời gian qua, nhiều nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học, ĐH Thái Nguyên đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng liên quan đến sinh kế và chuyển đổi, hỗ trợ phát triển sinh kế cho cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng sống gần rừng.
Triển lãm "Rừng và Biến đổi khí hậu" không chỉ là sự kiện chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động cụ thể đối với vấn đề bảo vệ rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu, một thách thức đang ngày càng gia tăng trong thời đại hiện nay.
Tin bài: Nguyễn Thị Hồng Viên
Ảnh: Phương Anh - Viện KHCN, Nguyễn Thị Hồng Viên - Khoa TN&MT
Một số hình ảnh khác tại triển lãm