Thực hiện kế hoạch đào tạo năm học 2020 – 2021 của Trường Đại học Khoa học, nhằm mục tiêu gắn kết lý thuyết với thực tiễn, ngày 17/10/2020, sinh viên lớp K15-16 ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Khoa Tài nguyên và Môi trường, dưới sự hướng dẫn của Giảng viên Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Thị Hồng Viên đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy nước Yên Bình và Khu du lịch Hồ Núi Cốc, vùng chè Tân Cương phục vụ cho học phần Đánh giá nhanh môi trường, Nước sạch đô thị và nông thôn.
Đoàn đã khảo sát về hiện trạng một số loại tài nguyên cơ bản tại khu vực nghiên cứu (tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật và tài nguyên khí hậu); sử dụng các hệ phương pháp đánh giá nhanh môi trường để đánh giá chất lượng môi trường đất vùng chè Tân Cương, chất lượng môi trường nước và những tác động tới môi trường của hoạt động du lịch tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, xác định một số tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực và xem xét các giải pháp cải thiện vấn đề.
Tại Nhà máy nước Yên Bình, Đoàn đã khảo sát nguồn nước đầu vào (từ Hồ Núi Cốc), công nghệ xử lý nước với quy trình công nghệ hiện đại của Nhật Bản. Ban quản lý, các cán bộ Nhà máy đã tạo điều kiện tiếp nhận, giúp đỡ, hướng dẫn Đoàn tham quan Quy trình quản lý 6S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng, Safety - an toàn) và có buổi báo cáo, trao đổi chung về nhà máy, truyền những kinh nghiệm quý báu cho các em sinh viên, từ tác phong đến kinh nghiệm làm việc.
Trong buổi khảo sát thực địa, các em sinh viên được thực hành nhiều hình thức đánh giá nhanh môi trường đa dạng: Sử dụng các chỉ thị môi trường, điều tra xã hội học, quan sát khoa học, thực hiện những thực nghiệm đơn giản tại hiện trường, lập sơ đồ các nguồn thải, xây dựng sơ đồ “web” xác định nguyên nhân, hiện trạng và hậu quả của các vấn đề môi trường tại khu vực và trên cơ sở đó đưa ra giải pháp cho vấn đề...
Hình thức giáo dục trải nghiệm – mô hình học gắn lý thuyết vào thực tiễn này sẽ phát triển năng lực tự học cho sinh viên. Sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng sử dụng giáo trình, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin, phát hiện vấn đề ngoài thực tiễn và định hướng giải quyết vấn đề..., trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy.
“Đây thực sự là buổi khảo sát bổ ích với em. Lần đầu tiên em được tự mình thực hiện một đánh giá chất lượng môi trường nước và đất. Mặc dù đánh giá còn mang tính chủ quan và nhiều thiếu sót nhưng em đã được áp dụng những kiến thức đã học trên lớp vào thực tế. Những điều này làm em thấy yêu ngành học của mình hơn. Em rất mong sau này ra trường sẽ tìm được công việc đúng ngành, để có thể được ứng dụng những gì mình đã học vào cuộc sống”. Đó là cảm nghĩ của nhiều sinh viên sau buổi khảo sát thực địa.
Chuyến khảo sát đã kết thúc và thành công tốt đẹp. Những kiến thức thực tế cần thiết đã được sinh viên học hỏi, khám phá, trải nghiệm, những cảm xúc đã được khơi dậy. Từ những bài học thực tiễn đó, các em đã thực sự yêu thích và say mê hơn khi nghiên cứu các môn học chuyên ngành.
Nguyễn Thị Hồng Viên - GV Khoa Tài nguyên và Môi trường
Một số hình ảnh của chuyến khảo sát