Hành trình thực tế lớp Quản lý tài nguyên và Môi trường K14


Trở về sau chuyến thực tế kéo dài 5 ngày đêm, chúng tôi - những sinh viên năm cuối Khoa Tài Nguyên & Môi Trường ai nấy cũng đều thấm mệt nhưng vẫn ngập tràn niềm vui sướng, luyến lưu sau một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa tại thành phố Thái Nguyên, thành phố Lào Cai và thị xã Sapa.

Ngày đầu tiên (23/12/2019)

7h00 xe chở đoàn sinh viên đi thực tế bắt đầu lăn bánh từ Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đến Công ty Than Khánh Hòa, xã Cẩm Sơn, thành phố Thái Nguyên. Đến đây, chúng tôi đã được nghe các cán bộ kỹ thuật của Công ty Than Khánh Hòa hướng dẫn tận tình. Những kiến thức trong sách vở được lần lượt làm sáng rõ trên thực tế: mỏ được hình thành ra sao, đặc điểm than như thế nào, các tác động môi trường khi khai thác và tuyển than… Chúng tôi ai nấy đều miệt mài ghi chép và quan sát. Chuyến thực địa như khắc sâu hơn trong chúng tôi lời nhắc nhở về bài học khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản để giữ gìn tài sản quý báu cho các thế hệ mai sau.

Tham quan mỏ than

Hướng dẫn quá trình xử lý nước

Khảo sát chất lượng nước thải đầu ra

Khu xử lý nước của mỏ than

Sau buổi thực địa, chúng tôi theo tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai để đến thẳng thành phố Lào Cai. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đồng hành cùng nhau trên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam nên ai nấy cũng đều hào hứng, thú vị.

Ngày thứ 2 (24/12/2019)

Chúng tôi tập trung từ rất sớm để đến Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai. Tại đây chúng tôi được hướng dẫn rất chi tiết về hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai- một trong 9khu kinh tế cửa khẩuđượcChính phủ Việt Namquan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng, quy chế chính sách. Khu kinh tế nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh- Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Với cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) đã đưa Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương ngắn nhất nối Việt Nam, các nước trong khu vực qua cảng biển tới các tỉnh miền Tây Nam Trung Quốc. Với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ Ban quản lý, các chiến sỹ bộ đội biên phòng, chúng tôi đã hiểu rõ hơn vai trò, sự phát triển của Khu kinh tế này với tỉnh Lào Cai thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại và du lịch.

Thực tế tại Cửa Khẩu Quốc Tế Lào Cai

Thực tế tại Cửa Khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành

Đoàn thực tế tại khu Cửa Khẩu Quốc tế Lào Cai

Tạm biệt thành phố Lào Cai, chúng tôi tới Sapa - điểm du lịch hội tụ những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của một địa danh nổi tiếng nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ luôn hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Ngày thứ 3 (25/15/2019)

Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu hai trường Đại học Khoa học Thái Nguyên và trường PTDTBT TH & THCS Tả Van, chúng tôi đã cùng nhau tổ chức chương trình “Noel xanh cho em” tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH & THCS) Tả Van, bản Tả Van, Sapa đúng vào dịp giáng sinh. Chương trình mang đến thông điệp bảo vệ môi trường cho các em học sinh cấp 1 và 2 tại bản Tả Van thông qua các trò chơi như trả lời các câu hỏi phù hợp về khoa học, tự nhiên, môi trường kết hợp tặng quà giáng sinh, cây sinh thái. Thông qua chương trình, chúng tôi cũng mong muốn mang đến cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn một mùa giáng sinh thêm ấm áp, động viên tinh thần bằng việc kêu gọi quyên góp quần áo ấm, sách bút và tiền mặt. Chúng tôi được trải nghiệm và học được nhiều điều thực tế mà trong sách vở không có.

Tặng dàm cây sinh thái cho các em học sinh

Tặng quà TPTDTBTTH&THCS Tả Van

Ông già noel phát quà

Học sinh sôi nổi trả lời câu hỏi

Bế mạc chương trình

Các em học sinh vui tươi nhận quà

Buổi chiều hôm đó, chúng tôi tiếp tục được cán bộ Trung tâm Giáo dục môi trường - Vườn Quốc Gia (VQG) Hoàng Liên hướng dẫn tìm hiểu về đa dạng sinh học và công tác bảo tồn kết hợp phát triển cho đồng bào tại Vườn. Ngoài ra, chúng tôi biết thêm về sự phân hóa tự nhiên theo đai cao, theo chiều Đông Tây, ảnh hưởng của thời tiết và biến đổi khí hậu đến VQG.

Học tập và trải nghiện thực tế tại VQG Hoàng Liên

Ngày thứ 4 (26/12/2019)

Qua những chuyến tham quan khảo sát tại thị trấn, bản Cát Cát, bản Tả Van, chúng tôi thêm hiểu hơn những giá trị văn hóa đặc sắc, độc đáo cũng như sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi trung du Tây Bắc, sự hội tụ đa dạng của các tài nguyên tự nhiên và nhân văn cho phát triển kinh tế, xã hội, du lịch.

Ngày chúng tôi đi học tập và trải nghiệm đến khi tối về lại sôi nổi thảo luận trong các buổi nội nghiệp,làm bài tập để củng cố và nghiên cứu các vấn đề trong chuyến thực tế đã đi. Tranh thủ tối đa thời gian, dù thức đến nửa đêm nhưng mỗi sinh viên Quản lý Tài nguyên và Môi trường K14 đều cố gắng hoàn thành báo cáo cho buổi seminar dưới sự hướng dẫn tận tình của các cô giáo. Vì thế, cả đoàn đã có buổi seminar sôi nổi, hấp dẫn và thú vị. Chưa bao giờ chúng tôi được trình bày, được chia sẻ, thậm chí tranh luận gay gắt với nhau những kiến thức thực tế bổ ích đến thế.

Sinh viên thảo luận sôi nổi trong buổi Seminar

Thuyết trình thảo luận, tranh luận về các vấn đề trong buổi Seminar

Ngày thứ 5 (27/12/2019)

Sau những trải nghiệm thú vị, những cung đường đã đi qua trong những ngày thực tế, chúng tôi xuất phát sớm để trở về Trường. Ai nấy đều lưu lại cho mình những kỷ niệm, những trải nghiệm thu được cho bản thân những kiến thức thực tế. Trên hết, quãng thời gian thực tế tuy ngắn ngủi ấy nhưng nó như chất keo dính gắn kết chúng tôi. Nó giúp chúng tôi biết yêu thương, chia sẻ hơn. Hơn tất cả, chúng tôi như là một, cảm thông và thấu hiểu nhau.

Kết thúc chuyến đi thực tế, tuy mệt nhưng tất cả chúng tôi đều có chung một tâm trạng yêu Khoa, yêu Ngành đang học. Xin chân thành cảm ơn BGH trường Đại học Khoa học, Khoa Tài Nguyên và Môi trường, các đơn vị phối hợp đã mang lại cho chúng tôi hành trình thực tế đầy bổ ích. Có lẽ chuyến đi là kỉ niệm nhớ nhất thời sinh viên mà chúng tôi không thể quên được.

< Phàng A Minh - SV khoa Tài nguyên và Môi trường >


Bài viết liên quan