Thực tế chuyên môn 1 cho sinh viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường


          Vườn quốc gia Ba Bể nằm trên địa phận của 5 xã gồm Khang Ninh, Quảng Khê, Cao Thương, Cao Trĩ, Nam Mẫu, thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Với diện tích lên đến 7.610 ha, vườn quốc gia Ba Bể được thành lập từ ngày 10/11/1992. Vườn Quốc gia Ba Bể không chỉ là một danh thắng nổi tiếng của Thế giới, là khu Ramsar ngập nước trên núi đá vôi, khu bảo tồn sinh quyển lớn đa dạng các loại động thực vật với hơn 1000 loài thực vật và khoảng 80 loài thú quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn, nuôi dưỡng. Ngoài ra, nơi đây còn được biết đến với hệ thống hang động kì vĩ đã và đang trong quá trình kiến tạo bao gồm hệ thống hang khô, hệ thống hang nước và hệ thống sông ngầm. Đặc biệt, hồ Ba Bể là hồ tự nhiên duy nhất trên núi đá vôi ở Việt Nam, đây cũng chính là điều độc đáo, khác biệt của hồ Ba Bể.

          Thực hiện kế hoạch năm học, từ ngày 4/5 đến ngày 8/5/2023 Khoa Tài Nguyên và Môi trường, Trường Đại học Khoa học, đã tổ chức học phần Thực tế chuyên môn 1 tại VQG Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho các sinh viên lớp Quản lý Tài nguyên Môi trường học năm thứ 2.

Các chủ đề được sinh viên tìm hiểu trong chuyến đi này gồm:

- Hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc Gia Ba Bể;

- Đánh giá tác động của phát triển du lịch tới kinh tế, xã hội, môi trường của người dân thôn Bó Lù;

- Hiện trạng quản lý rác thải sinh hoạt tại thôn Bó Lù;

- Đánh giá nhận thức của người dân thôn Pác Ngòi về phân loại rác và các yếu tố ảnh hưởng tới việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn tại;

- Vấn đề chất thải nhựa tại khu vực Pác Ngòi.

      Ngày đầu tiên, đoàn đã được nghe báo cáo của Ban quản lý VQG Ba Bể về hoạt động bảo tồn, quản lý bảo vệ rừng và báo cáo về phát triển du lịch sinh thái tại VQG Ba Bể. Ngay sau buổi báo cáo tại Hội trường, sinh viên được đi tyến đi bộ trong VQG và quan sát nhận biết một số loại thực vật đặc trưng tại đây. Các buổi tiếp theo, các em sinh viên còn được thăm quan học tập một số địa điểm như thác Đầu Đẳng, động Hua Mạ, hang Nả Phoòng, Ao Tiên… đồng thời cũng thực hiện khảo sát và học tập thực tế theo các chủ đề tại thôn Bó Lù và thôn Pác Ngòi. Qua đó sinh viên không chỉ được học tập từ thực tế mà còn rèn luyện nhiều các kỹ năng khác như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phỏng vấn và thu thập thông tin, cách tiếp cận phỏng vấn người dân địa phương…

    Ngoài giờ học, sinh viên còn tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao tại địa phương như giao lưu bóng chuyền hơi, chèo thuyền trên hồ Ba Bể, thưởng thức các điệu múa dân tộc Tày, nhảy sạp, đốt lửa trại….

    Kết thúc đợt thực tế, sinh viên thực hiện báo cáo nhóm và viết bài thu hoạch về các kết quả đạt được từ học phần thực tế chuyên môn.

    Chuyến học tập này đã giúp sinh viên có cái nhìn mới mẻ hơn, thực tế hơn về chuyên ngành mình đang lựa chọn, tích luỹ được những kiến thức bổ ích và kinh nghiệm thực tế để phục vụ cho công việc trong tương lai. Chúc các bạn sinh viên sẽ tiếp tục phát huy tốt tinh thần hiếu học cũng như việc “học đi đôi với hành”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện của mình.

Một số hình ảnh trong chuyến thực tế

Báo cáo tổng quan về Vườn quốc gia Ba bể của lãnh đạo Vườn

Tham quan học tập tại hang Nả phoòng

Tham quan học tập tại thác Đầu Đẳng

Sinh viên thực hiện phỏng vấn tại bản Pác Ngòi

Hoạt động giao lưu văn hóa, TDTT tại địa phương

Hà Trang – SV Lớp QLTNK19

Thu Hường – Anh Hùng – GV Khoa TNMT


Bài viết liên quan