Hội thảo quốc tế về “Các mối liên kết trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên cho phát triển bền vững”


Trong 2 ngày 18,19/02/2022, Trường Đại học Khoa học và đầu mối là Khoa Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) chủ trì tổ chức thành công Hội thảo quốc tế "Các mối liên kết bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững".

Tham dự chương trình có: Ông Sebastian Paust (Tiến sĩ), Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội; Ông Stefan Hase-Bergen, Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội; PGS.TS. Phạm Thế Chính – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, TS. Văn Hữu Tập – Trưởng khoa Khoa Tài nguyên & Môi trường…. Cùng toàn thể các thầy cô Khoa TN&MT và các chuyên gia, giáo sư, các giảng viên, các nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam giàu kinh nghiệm; đại diện các cơ quan chính quyền, các cựu nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên DAAD, cựu sinh viên Đức đến từ các tổ chức UNDP, CIAT, Bộ Tài nguyên và Môi tường, tỉnh Cà Mau, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học ở nhiều vùng của Việt Nam như Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên…

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi kiến thức, cập nhật thông tin, thảo luận về mối liên kết trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, từ đó đề xuất các giải pháp và chiến lược phát triển bền vững. Hơn nữa, hội thảo cũng góp phần tìm kiếm và tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các đối tác Việt Nam, đặc biệt là các cựu sinh viên của DAAD. Hội thảo tập trung vào các chủ đề: Quản lý tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; Các vấn đề môi trường và chiến lược quản lý; Bảo vệ môi trường và sức khỏe con người; Lồng ghép bảo vệ môi trường và phát triển khu vực.

PGS.TS. Phạm Thế Chính - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH và ông Stefan Hase-Bergen, Trưởng đại diện văn phòng Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tại Hà Nội đã phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại Hội thảo đã có 12 báo cáo tham luận được trình bày bởi các chuyên gia, giáo sư, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên. Các tham luận chính của hội thảo: Ông Sebastian PAUST (Tham tán thứ nhất Đại sứ quán Đức) với tham luận về Sự tham gia của Đức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững; Bà Anja Barth (Chuyên gia GIZ) với chủ đề: Hợp tác phát triển của Đức tại Việt Nam góp phần quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; TS. Nguyễn Quốc Định (Bộ Tài nguyên Môi trường) có tham luận về Hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất ở Việt Nam. TS. Nguyễn Hồng Quảng (Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện hàn lâm KHCN VN) đã có những chia sẻ, giới thiệu, phân tích về vấn đề: “Mô hình hóa chất lượng nước biển tại vịnh Rạch Giá của Việt Nam, sử dụng ảnh viễn thám sentinel – 2 được xử lý trên nền tảng Google Earth Engine”. Báo cáo tại Hội thảo có TS. Nguyễn Hữu Đức (Đại học Điện lực) với tham luận về Trạm sạc xe điện hai bánh sử dụng điện mặt trời: Giải pháp hướng tới thành phố xanh.

Ngày thứ 2 của Hội thảo, các chuyên gia và các nhà khoa học cũng đem đến nhưng báo cáo vô cùng chất lượng như: TS. Didier Lesueur (Trưởng nhóm dự án Công nghệ sinh học Tổ chức Nông nghiệp nhiệt đới Châu Á) với chủ đề: Thực hành nông nghiệp và công nghệ sinh học vi sinh là con đường tiến tới cho một nền nông nghiệp lành mạnh và thân thiện với môi trường ở Đông Nam Á - tầm quan trọng của mạng lưới Nền tảng Công nghệ Sinh học Vi sinh chung Châu Á - Thái Bình Dương (CMBP); PGS.TS. Nguyễn Khởi Nghĩa (Đại học Cần Thơ) trình bày Hiệu quả của chế phẩm vi sinh chịu mặn NPISI đến đặc tính đất, khả năng sinh trưởng và năng suất cây hành lá tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; TS. Nguyễn Châu Niên (Đại học Nông Lâm tp Hồ Chí Minh) trình bày báo cáo: Đánh giá hiệu quả kinh tế và xác định yếu tố ảnh hưởng đến các mô hình nông lâm kết hợp tại núi Cấm, tỉnh An Giang; TS. Phạm Thái Thủy (Trưởng phòng HTQT, Đại học Hùng Vương) có chia sẻ về vấn đề du lịch cộng đồng kết hợp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; TS. Lê Phương Dung (Đại học Sư Phạm Thái Nguyên) với tham luận đánh giá mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường tỉnh Thái Nguyên.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận và đồng quan điềm: để giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả đòi hỏi sự tích hợp và kết hợp giữa đa ngành, lĩnh vực, các bên liên quan, và giữa các khu vực. Vì vậy, cần phải phân tích các mối liên kết này trong bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, từ đó tìm ra các chiến lược tổng hợp trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Bích Liên - Giảng viên khoa TNMT


Bài viết liên quan