Nhóm cán bộ khoa Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về Bảo vệ Môi trường năm 2019


Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế không ngừng phát triển, nhiều làng nghề truyền thống đã được khôi phục và phát triển đến nay cả nước có khoảng 5.096 làng nghề góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, thu nhập của người lao động ở làng nghề cao gấp từ 3-4 lần so với thu nhập người lao động thuần nông, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương, tạo việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế là các hệ lụy của nó, như gia tăng các tác động tới môi trường nước, đất, không khí, ảnh hưởng trực tiếp tới vệ sinh môi trường nông thôn và sức khỏe của người dân tại các làng nghề. Lượng chất thải phát sinh từ các làng nghề này không nhỏ, đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làng nghề, đặc biệt là đối tượng học sinh THCS - những chủ nhân tương lai của đất nước, thì việc giáo dục bảo vệ môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước thực trạng đó, TS. Kiều Quốc Lập, ThS. Nguyễn Thị Đông cùng nhóm cán bộ, giảng viên Khoa Tài nguyên và Môi trường - Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã triển khai nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường năm 2019: “Xây dựng mô hình giáo dục bảo vệ môi trường trong nhà trường THCS của một số tỉnh có làng nghề tại khu vực trung du miền núi phía Bắc”.

Nhiệm vụ gồm một loạt các hoạt động nghiên cứu những vấn đề lý luận chung và khảo sát thực trạng hoạt động giáo dục môi trường tại các trường THCS có làng nghề tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.Nhóm nghiên cứu đã điều tra, khảo sát môi trường khu vực làng nghề và khảo sát nhận thức ban đầu của học sinh THCS tại khu vực nghiên cứu. Từ đó, xây dựng mô hình giáo dục môi trường trong nhà trường trung học cơ sở tại khu vực có làng nghề và ban hành tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình.

Nằm trong chuỗi các hoạt động của nhiệm vụ giáo dục bảo vệ môi trường, trong năm học 2019 - 2020, nhóm đã triển khai thử nghiệm mô hình giáo dục bảo vệ môi trường trong nhà trường THCS của một số tỉnh có làng nghề tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, tại trường THCS Trần Phú, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Với phương châm học đi đôi với hành, thông qua mô hình giáo dục này, nhóm giảng viên Khoa Tài nguyên và Môi trường không chỉ thực hiện các hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường tại trường học mà còn triển khai các hoạt động tại thực địa. Học sinh trường THCS Trần Phú được tham quan học tập và trải nghiệm vận dụng các kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề của làng nghề .Tại đây, học sinh được hướng dẫn nhận biết các loại chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của làng nghề, biết cách phân loại, tuần hoàn, tái sử dụng, tái chế chất thải và phế phụ phẩm làng nghề. Với các hoạt động “vừa học vừa chơi”, chương trình đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các em học sinh. Rất nhiều em học sinh sau khi tham gia các hoạt động của chương trình và hoạt động trải nghiệm đã nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường làng nghề, tận dụng và tái chế chất thải nhằm tiết kiệm tài nguyên. Hy vọng trong thời gian tới, mô hình giáo dục bảo vệ môi trường này sẽ được mở rộng ra nhiều trường THCS ở các tỉnh có làng nghề tại khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Ảnh 1. Nhóm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường năm 2019

Ảnh 2. Giới thiệu về môi trường và quản lý môi trường tại các trang trại chăn nuôi

Ảnh 3. Hướng dẫn học sinh phân loại rác thải tại nguồn

Ảnh 4. Hướng dẫn học sinh ủ phân hữu cơ từ phân gà

Ảnh 5. Học sinh thực hành ủ phân hữu cơ

Ảnh 6. Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường tại làng nghề sản xuất gỗ

Ảnh 7. Tận dụng phế thải từ xưởng chế biến gỗ làmsản phẩm hữu ích

Ảnh 8. Giáo viên và nhóm học sinh trường THCS Trần Phú chụp ảnh lưu niệm với những sản phẩm tự tạo từ gỗ phế thải

Ảnh 9. Chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên và học sinh trường THCS Trần Phú

Ảnh 10. ThS Nguyễn Thị Đông báo cáo tại Hội thảo Mô hình giáo dục BVMT trong nhà trường THCS của một số tỉnh có làng nghề tại khu vực trung du miền núi phía Bắc

Ảnh 11. Học sinh trường THCS Trần Phú hào hứng tham gia chương trình

< ThS. Nguyễn Thị Hông Viên, ThS. Nguyễn Thị Đông - Giảng viên khoa TN&MT>

 


Bài viết liên quan